Nón bài thơ xứ Huế - niềm tự hào đất cố đô

"Gió cầu vương áo nàng thôn nữ

Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ."

Nói đến sản phẩm đặc sắc của các làng nghề truyền thống ở Huế, có lẽ nón lá được nhiều người biết đến hơn cả. Bởi hàng trăm năm nay, nón lá không chỉ là vật dụng thân thiết che nắng, che mưa gắn bó với đời sống hàng ngày của mỗi người dân Huế, mà hơn thế nó đã trở thành một đặc sản văn hóa “nón bài thơ” gắn với hình tượng của người con gái Huế.

 


Đến với mảnh đất cố đô, các bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón bài thơ - một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm hồn Huế. Để làm đẹp và tôn vinh thêm cho chiếc nón lá xứ Huế, các nghệ nhân còn ép bức tranh của sông Hương, núi Ngự và vài dòng thơ vào giữa hai lớp lá:

“Ai ra xứ Huế mộng mơ

Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.

Nón bài thơ là một loại nón lá đặc biệt ở xứ Huế, tên gọi của nó bắt nguồn từ đặc điểm là khi soi lên ánh sáng thì bạn có thể thấy một bài thơ hay hình ảnh hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối hiện lên giữa hai lớp lá nón.

Theo một số tư liệu đã cho ta thấy được nghề nón lá đã ra đời khá lâu đời. Nghề nón lá xuất phát từ nhu cầu của con người, vừa có thể che nắng che mưa trong khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, giá thành lại rẻ, vì vậy nón lá khá được ưa chuộng. Và ngày nay, nhiều tour du lịch Hải Phòng Huế đến cũng khá thích thú với những chiếc nón lá này.

 

Nhìn chiếc nón lá nhỏ gọn vậy thôi, nhưng những công đoạn làm ra nó thì không hề đơn giản, đòi hỏi một quá trình vô cùng công phu và tinh tế. Là một sản phẩm thủ công, người làm hoàn toàn sử dụng công cụ là đôi tay của mình. Người làm phải thực hiện 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ,…  để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp.

Nguyên liệu của chiếc nón là lá non của cây Bồ Quy Diệp sau khi hái trên rừng đem về phơi sương rồi nức vàng và ủi cho phẳng. Sau đó, người làm phải khâu tạo khung và vành nón. Đây là công việc đòi hỏi người thợ có nhiều kinh nghiệm, cẩn thận và khéo tay. Khung của nón lá sẽ bao gồm 12 thanh gỗ vát mảnh được ghép lại, khớp nhau ở đỉnh, phía dưới khoảng cách đều nhau. 16 vành như 16 vầng trăng được ve thật nhanh, thật tròn, thật nhẵn, thật điệu, sao cho cân đối và hài hòa nhất.

 

Những chiếc lá đực đầu tiên sẽ được xếp vào bên trong, tiếp đến là hình hoa văn – bài thơ phủ kín diện tích xung quanh chiếc nón. Lá cái được xây ở ngoài cùng. Công đoạn này khá quan trọng đòi hỏi, động tác của người nghệ nhân phải nhẹ nhàng khéo léo, chèn kỹ, đẹp và dằn chắc chắn, giữ cho mặt lá phẳng không xê dịch. Công đoạn nào cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, sự khéo léo và kỹ lưỡng để cho nên những sản phẩm là niềm tự hào của xứ Huế. 

Chiếc nón lá hiện diện khắp những cánh đồng Việt Nam. Nón lá theo người người nông dân ra đồng, cùng tham gia sản xuất cho mùa màng bội thu. Ngoài ra, nón lá còn tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nếu tà áo dài Việt Nam tôn lên vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng, thùy mị sang trọng của người con gái thì nón lá lại làm cho người con gái mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, kín kẽ và đậm đà hơn rất nhiều.

Những du khách đến với xứ Huế đều rất hào hứng với mỗi chiếc nón lá đội trên đầu với nụ cười rạng rỡ càng làm cho chiếc nón lá trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết! Nón lá nay đã trở thành một món quà tạo sự gắn kết giữa Việt Nam với nước bạn trên thế giới và nón lá đã đưa hình ảnh Việt Nam đi khắp bốn phương.

Chỉ là một chiếc nón lá đơn sơ và mộc mạc như chính tính cách con người Việt Nam nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Chiếc nón lá là hình ảnh của Việt Nam, là món quà mà chính bàn tay người Việt tạo ra, chiếc nón lá là cây cầu nối tình bằng hữu giữa Việt Nam và nước bạn. Dù gì đi chăng nữa, chiếc nón lá vẫn mang trong mình màu sắc của sự bình yên, dịu dàng và đầy tinh tế!

Có thể quý khách quan tâm : https://dulichhaiphongdanang.com/du-lich-hai-phong-da-nang

CÔNG TY TNHH D BLUE